Kiến trúc nhà ở nông thôn và các mẫu thiết kế nhà ở nông thôn tiêu biểu.
Nhà ở nông thôn Việt Nam trải qua quá trình lịch sử lâu dài đã tự chọn lọc, đào thải những yếu tố bất hợp lý và giữ lại những ưu điểm, đó chính là yếu tố truyền thống mang tính dân tộc. Chẳng hạn đối với nhà ở vùng đồng bằng Bắc bộ, kiểu nhà tứ trụ con chồng xây dựng cách đây khoảng nửa thế kỷ. Tuy vững vàng và đẹp nhưng dần dần đã được đổi mới với kiểu kèo gối tường (một bên cột đội, một bên gối tường) hay nhà gạch hoàn toàn; đối với nhà ở nông thôn vùng Nghệ Tĩnh, những kiểu nhà tứ trụ, tiền tứ trụ, hậu hạ lẫm được yêu thích hơn vì tiết kiệm gỗ, xây dựng đơn giản và phong cách chân phương. Nhà gỗ Nghệ Tĩnh với những bộ vì kèo được xử lý rất công phu, còn nguyên vân gỗ với ván liệt bản đã cho mọi người thấy được tài nghệ tuyệt vời của những người thợ địa phương.
Về thành phần tổ hợp, ngôi nhà nông thôn Việt Nam thông thường gồm hai ngôi nhà: ngôi nhà chính và ngôi nhà phụ, đôi khi cũng có tới ba nhà. Trong ngôi nhà chính có phòng sinh hoạt chung (là nơi tiếp khách kiêm chỗ để bàn thờ gia tiên), phòng ngủ của bố mẹ, chỗ ngủ và học tập của con cái, chỗ để lầm nghề phụ, kho để đồ và đồ vật quý. Trong ngôi nhà phụ có bếp, kho, khối vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi. Trước mặt nhà thường có sân phơi thóc, ao cá (người nông dân Việt Nam thường kiêng ao cá đặt sau nhà). Đường vào nhà với cổng bổ trụ một bên để bảo đảm kín đáo cho ngôi nhà. Xung quanh nhà thường có vườn rau, vườn cây ăn quả và bể nước mưa hay giếng nước. Nói chung ngôi nhà ở nông thôn với sân, vườn, ao cá là ba bộ phận có mối liên hệ mật thiết hữu cơ với nhau. Vườn cây, ao cá không chỉ là nơi cung cấp một phần thực phẩm mà còn là những thành phần cần thiết để cải tạo vi khí hậu của nhà.
Về quy hoạch mặt bằng, cách sắp xếp giữa nhà chính và nhà phụ chúng ta thường thấy có bốn kiểu chính là nhà ở kiểu chữ nhật, chữ nhị, chữ dinh và chữ môn.
Nhà ở kiểu chữ nhật: là ngôi nhà chính và ngôi nhà phụ đặt cạnh nhau, hình thành một hàng ngang. Nhà ở kiểu này có hình thức ngang bằng sổ thẳng, nhưng thường đơn điệu, không gian không được phong phú.
Nhà ở kiểu chữ nhị: có nhà chính và nhà phụ xếp song song với nhau. Với cách sắp xếp này thì việc liên hệ giữa nhà chính và nhà phụ được thuận tiện hơn khi mưa nắng.
Nhà kiểu chữ dinh (chứ L): là hình thức hai ngôi nhà chính và phụ xếp gẫy góc với nhau. Giải pháp hợp lý về nhiều mặt làm cho không gian trở lên phong phú hơn và đáp ứng được những yêu cầu về công năng.
Nhà ở kiểu chữ môn (chữ U): với loại nhà này không gian trong tầm mắt bị hạn chế nên thường ít được sử dụng.
Hình dáng đơn thể mặt bằng là dùng kiểu hàng hiên, nhà chính có khi ngăn thành buồng có vách, cũng có khi không ngăn thành buồng, mỗi gian rộng từ 2,4m đến 3m chiều sâu từ 4m đến 6m.
Vật liệu lợp trong nhà ở nông thôn Việt Nam có nhiều loại khác nhau như tranh, tre, nứa, lá hoặc ngói… Ngôi nhà ở nông thôn thường có thông gió xuyên phòng, các thành phần kiến trúc như cửa sổ, rèm, mảnh được bố trí sao cho không gian ở hết sức thông thoáng.
Tuy vậy ngôi nhà ở nông thôn còn mang nhiều những mặt hạn chế về hình thức và vệ sinh môi trường cần được cải thiện để phù hợp hơn với điều kiện sống ngày càng được nâng cao theo thời gian.
Cho đến ngày nay, do điều kiện sống đã được cải thiện; nhu cầu về không gian sống không còn bị hạn chế như các tiêu chuẩn trước đây. Hơn nữa, do khoa học kỹ thuật đã phát triển và đặc biệt là kinh tế và nhận thức của người dân đã được nâng tầm vì thế việc du nhập những lối kiến trúc mới hiện đại vào nông thôn đã ngày một nhiều. Vấn đề ở đây là lối thiết kế kiến trúc hiện đại đó đã thực sự phù hợp với nhà ở vùng nông thôn hay chưa (chưa nói tới yếu tố vùng miền của mỗi vùng quê một khác nhau)
Nếu chúng ta biết kết hợp giữa cái mới và cái cũ, biết tận dụng những mặt tích cực trong lối kiến trúc truyền thống đồng thời thêm vào đó những mặt hiện đại trong thiết kế kiến trúc đô thị hiện đại ngày nay thì kiến trúc nhà ở nông thôn sẽ trở nên hài hòa hơn và phù hợp hơn với hình ảnh nông thôn Việt Nam.
Văn phòng tư vấn thiết kế kiến trúc – nội thất Thành Thái
địa chỉ: Khu dân cư DC1 – tổ 4 phường Hoàng Diệu – tp. Thái Bình
(Đối diện cổng đài phát thanh và truyền hình Thái Bình)
Số điện thoại liên hệ: 02273.747.982 hoặc số DĐ 0916.133.582